Những bí quyết giữ kín suốt 200 năm ở ngôi làng "đúc tiếng sấm"

Chủ nhật - 01/09/2019 05:32

 Đồng bào theo Công giáo hay Phật giáo đều biết đến làng Kiên Lao nổi tiếng ở Nam Định với bí quyết đúc chuông nguyện cầu. Ngôi làng này không đơn thuần chỉ là đúc đồng mà họ còn giữ những bí quyết để làm cho tiếng chuông vang rền như tiếng sấm. Làng Kiên Lao nay đã tách ra thuộc về 2 xã Xuân Kiên và Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định), đây không chỉ là một làng cơ khí, làng đóng tàu nổi tiếng đất Bắc mà còn có một truyền thống mà nhiều ngôi làng kim khí khác phải mơ ước…

Nghề đúc chuông đòi hỏi kỹ thuật phải gần như tuyệt đối chính xác

Nghề đúc chuông đòi hỏi kỹ thuật phải gần như tuyệt đối chính xác

Bề dày lịch sử

Qua cầu Lạc Quần bắc qua dòng Ninh Cơ thơ mộng là chạm đến cổng làng Kiên Lao. Cánh cổng giống như mốc phân định ranh giới của những cái cũ tách bạch khỏi những cái mới. Cho nên, khi bước qua cổng làng, một hình ảnh cổ kính hiện ra.

Làng Kiên Lao cũng là một trong những địa danh nổi tiếng với tục nhổ tóc quanh đầu từ thời nhà Trần. Chuyện này được ghi trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn. Bây giờ tục lệ ấy không còn và cũng ít người biết làng mình từng có cái tục ấy. Làng vẫn cây đa, giếng nước, sân đình… nhưng xen kẽ là những nhà xưởng chế tạo máy móc động cơ. Bên trong làng Kiên Lao giống như một công trường với đủ mọi ngành nghề. Từ chế tạo máy xúc, máy bê tông, máy tuốt lúa đến đúc chuông, đúc kèn đồng. Ngoài bãi dâu tằm xưa, một dải chạy dọc sông Ninh Cơ là công xưởng đóng tàu. Những con tàu dài cả trăm mét, cao bằng tòa nhà 4 tầng chuẩn bị theo cửa Ba Lạt ra với biển khơi đi khắp thế giới.
 

Các cụ cao niên ở làng Kiên Lao nói rằng, tất cả những thành quả ấy bắt nguồn từ nghề đúc đồng của làng. Cách đây hơn 200 năm, tổ nghề là cụ Lê Văn Nghiêm, quê gốc ở Đông Sơn, Thanh Hóa - nơi nổi tiếng trên cả nước với nghề làm trống đồng - đã mang theo những kiến thức học được đến Kiên Lao. Qua tìm hiểu nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ, cụ đã chuyển sang làm nghề đúc chuông.

Sau này, con cháu dòng họ Lê của cụ đã cùng nhau giữ gìn, truyền nghề và phát triển việc đúc chuông cho tới bây giờ. Tính đến nay, nghề đúc Kiên Lao đã truyền qua 6 đời. Một thời gian dài nghề bị đình đốn bởi chiến tranh, bởi khó khăn về nguyên vật liệu. Từ khi đất nước chuyển đổi cơ chế, cũng như các làng nghề khác, nghề đúc Kiên Lao mới có cơ hội khôi phục và phát triển. 

Theo các nghệ nhân, thì chuông đúc có 2 loại là chuông Tây và chuông Nam. Chuông Tây thì dùng dây kéo, còn chuông Nam thì dùng vồ. Đúc chuông ngoài yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, tạo hình, họa tiết, hoa văn gọi là “sắc” thì còn đòi hỏi nghiêm ngặt về tiếng, gọi là “thanh”. Dù chuông Tây hay chuông Nam, khi thỉnh lên tiếng phải trong, ngân nga, âm vang trong tưởng chừng không bao giờ dứt. Các sản phẩm đúc khác nếu khiếm khuyết có thể sửa chữa được, còn quả chuông đúc đòi hỏi phải hoàn hảo cả “thanh” và “sắc”, không được phép sai lầm. 

Vì thế chuông đúc ra chỉ cần tiếng không được trong là phải bỏ đi đúc lại. Tiếng chuông không chỉ để nghe được trong phạm vi làng xã mà còn phải tới được tai khách thập phương. Nếu tiếng chuông vang càng xa, thánh đường, nơi lễ Phật được tôn vinh thì đó chính là niềm tự hào của con chiên, đệ tử.

Chính nhờ tiêu chí ấy mà những người kế tục nghề đúc chuông thấy được giá trị tinh hoa truyền thống của các bậc tiền nhân truyền lại. Từ đó mọi người cùng nhau gìn giữ để nghề không bị thất truyền và phấn đấu phát huy lên tầm cao mới. 

Những bí quyết giữ kín suốt 200 năm ở ngôi làng 'đúc tiếng sấm'

Nhất nghệ tinh…

Theo các nghệ nhân trong làng, nhờ một số cải tiến trong kỹ thuật mà bây giờ những người thợ đúc chuông Kiên Lao có thể làm ra được những quả chuông nặng hơn xưa rất nhiều. Nếu trước đây chỉ có thể đúc được những quả chuông nặng tối đa khoảng 1 tấn, thì nay có thể đúc những quả chuông nặng vài chục tấn.

Một quả chuông Nam do người Kiên Lao mới đúc xong

Một quả chuông Nam do người Kiên Lao mới đúc xong

Bí quyết đúc chuông của người Kiên Lao hết sức cầu kỳ và cũng chẳng mấy ai chịu tiết lộ. Chỉ có âm thanh của tiếng chuông khi vang vọng trong gió mới đánh giá được thành quả và linh khí hội tụ trong nó. “Thường thì với chuông của nhà thờ, chúng tôi đúc 7 chiếc theo 7 nốt nhạc: đồ, rê, mi, pha, son, la, si. Khi chuông vang lên cũng đúng theo âm luật tạo thành một bản nhạc. Bởi vậy khi đúc, ngoài dựa vào trọng lượng thì chúng tôi phải căn độ dầy mỏng và nhiều thứ khác để tiếng chuông ấy phải vang ứng với các nốt nhạc” - nghệ nhân Mai Văn Toán cho biết. 

Còn anh Lê Văn Hiệt ở xóm 9, Xuân Tiến cho biết: “Đúc chuông là công việc khó không phải ai cũng làm được. Ngoài việc thạo nghề, người thợ còn phải có kinh nghiệm mới có thể đảm nhận được. Đúc chuông phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau từ làm khuôn, tạo hình, khắc hoa văn, nung khuôn, đổ thiếc, đồng, cho tới khâu làm nguội... Trong đó, công đoạn làm khuôn mất nhiều thời gian nhất. Tùy vào kích cỡ của chuông, việc này có thể mất khoảng 20 ngày trở lên. Tất cả các công đoạn trong quá trình đúc đều rất quan trọng nên đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ và tập trung cao độ, chỉ cần sơ ý là toàn bộ sản phẩm sẽ phải bỏ đi làm lại từ đầu. 

Thợ làm chuông đang làm khuôn đúc

Thợ làm chuông đang làm khuôn đúc

Chính vì vậy, nghề đúc chuông không chỉ yêu cầu cao về mặt kỹ thuật mà còn đòi hỏi người thợ làm nghề phải có tính kiên trì, lòng đam mê và nhiệt huyết rất lớn. Chuông không chỉ có hình dáng, họa tiết, hoa văn đẹp mà khi đánh lên tiếng chuông phải ngân, âm vang và trong. Để đạt được điều đó  phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của người thợ trong công đoạn pha chế tỉ lệ giữa đồng và thiếc, độ dày mỏng của chuông, thậm chí cả khâu chọn đất sét...  Ngoài ra, người thợ đúc chuông cũng phải khéo tay và có năng khiếu về hội hoạ. Do những yêu cầu cao, khắt khe trong nghề đúc chuông, cần phải có thời gian học nghề rất lâu nên thanh niên trong làng giờ ít người có đủ kiên trì để theo học đến cùng. 

Khi một quả chuông được kéo lên tháp, bao giờ cũng cất những hồi “báo tiếng”. Lúc này, người thợ cả và đại diện nơi thuê đúc chuông sẽ đi ra thật xa để nghe âm thanh vọng lại. Tiếng chuông cuối cùng vang rền như tiếng sấm thì bản nhạc 7 chuông mới đạt chuẩn mực.

Nguồn tin:  ANTD.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lời Ngỏ

Kính thưa quý vị xa gần Ban điều hành trang xin có đôi lời bày tỏ để quý vị: KIENLAO.NET được lập vào năm 2010 với mục địch  giới thiệu hình ảnh Xứ Đạo Kiên Lao đến bạn bè bốn phương và mong muốn giúp những người con hiện đang xa quê và những người quan tâm được cập...

Videos

Thông kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay3,558
  • Tháng hiện tại33,287
  • Tổng lượt truy cập169,463,924


© Bản quyền thuộc về KIENLAO.NET

Phụ trách: Ban truyền thông xứ đạo

Địa chỉ: Xuân Tiến - Xuân Trường - Nam Định

Email: Kienlaonet@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây