Xuân về làng cổ Kiên Lao

Thứ hai - 30/01/2017 02:10

Mưa xuân nhẹ bay. Đi dọc triền sông Mã hiền hoà, uốn lượn mềm mại bao bọc làng quê Kiên Lao xưa, hai xã Xuân Kiên, Xuân Tiến ngày nay, mới thấy rõ sự bề thế, khang trang của vùng đất màu mỡ, năng động đang không ngừng phát triển. Con người và cảnh vật nơi đây thật hữu tình, gần gũi, hoà quyện trong không gian vang vọng tiếng máy của làng nghề cơ khí khiến ai dù chỉ ghé thăm một lần sẽ mãi chẳng thể nào quên!

I. Truyền thống xưa
 
Ngọc phả đền Kiên Lao ghi chép rằng hơn 600 năm về trước, các vị thuỷ tổ cùng dân đinh của 13 dòng họ: Bùi, Trịnh, Nguyễn, Lương, Lê, Trần, Phạm, Ngô, Vũ, Mai, Đặng, Đỗ, Đinh đã tới đây khai khẩn cồn hoang. Với khí phách của người đi mở đường, tổ tiên ngày ấy đã đoàn kết, gắn bó, cùng nhau kề vai, sát cánh vượt qua biết bao gian lao, nguy hiểm, chống chọi với thiên nhiên, bệnh tật, quyết tâm biến vùng đất hoang vu thành nơi “an cư lạc nghiệp”. Qua nhiều năm tháng ròng rã lao động dầu dãi nắng mưa, cha ông đã từng bước đào sông, đắp đường, khai phá các cồn lau hoang vu lấy đất đai canh tác. Đồng ruộng hình thành đến đâu, dân cư quần tụ sinh sống đến đó. Do đất đai khai phá từ các cồn lau nên tên làng lúc đầu được đặt là Căn Lau, sau đó đổi thành Kiên Lao - tiền thân của hai xã Xuân Kiên, Xuân Tiến ngày nay. 
 
Theo “Đại Nam nhất thống chí” và sách “Dư địa chí Nam Định”, làng Kiên Lao thời nhà Trần thuộc phủ Thiên Trường; thời nhà Minh đô hộ thuộc phủ Phụng Hoá; thời nhà Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ; đến thời nhà Nguyễn thuộc huyện Giao Thuỷ. Năm 1862 Vua Tự Đức đổi tên phủ Thiên Trường thành phủ Xuân Trường và chia làm 12 tổng. Kiên Lao là một làng lớn được lấy tên đặt cho một tổng, đó là tổng Kiên Lao. Qua mấy lần chia tách, đến sau Cách mạng Tháng Tám thì bỏ cấp tổng, thành lập xã Kiên Lao. Ngày 15-10-1952, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, xã Kiên Lao được đổi thành xã Xuân Kiên. Đến giữa năm 1956, sau cải cách ruộng đất, xã Xuân Kiên được tách thành hai xã Xuân Tiến và Xuân Kiên.
 
Trong quá trình dựng làng, giữ đất, để chống lại thiên tai, giặc dữ, người dân Kiên Lao sớm biết đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, tạo nên nét đẹp truyền thống, tình làng nghĩa xóm, sớm hôm “tắt lửa tối đèn” có nhau. Mang đậm dấu ấn, phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng, đời sống tâm linh của người dân Kiên Lao gắn liền với việc tôn thờ trời Phật và thờ cúng tổ tiên. Cùng với quá trình hình thành làng, xã, đạo Phật ở đây đã phát triển nhanh dưới thời phong kiến. Cách đây hơn 400 năm, nhân dân đã xây dựng ngôi chùa Kiên Lao có tên gọi Sùng Phúc Tự ở phía bắc làng trên một khu đất rộng, u tịch nhưng thoáng mát với những đường nét kiến trúc cổ kính, huyền bí. Cách đó không xa, nằm ở phía trước chùa làng là ngôi đền Kiên Lao đồ sộ, trầm mặc thờ tướng quân Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) và 2 hộ tướng của ông là Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc, những người có công mở đất, đánh giặc cứu nước. Hiện nay, đền còn lưu giữ được 19 đạo sắc phong từ đời Cảnh Hưng thứ 44 (vào năm 1783) đến đời Khải Định thứ 9 (năm 1924). Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đền và chùa Kiên Lao còn là nơi hội họp của cán bộ, đảng viên, nơi che giấu cán bộ, nơi cất trữ tài liệu và là địa điểm để quân ta mai phục đánh địch. Vì vậy, đền và chùa Kiên Lao đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Hằng năm, vào tiết xuân, dân làng tưng bừng mở hội. Theo lệ xưa, cứ 3 năm làng mở hội một lần vào tháng Giêng âm lịch. Tại đền và chùa tổ chức cúng lễ linh đình và rước kiệu quanh làng, cờ trống nhộn nhịp, các tín đồ, phật tử, nhân dân tham gia rất đông vui. Trong các ngày hội, sân đình, sân chùa sôi nổi các trò chơi dân gian như thi thổi cơm; làm bánh để cúng tế cầu cho nước thịnh, dân an. Đặc biệt trong lễ hội còn có các tiết mục đi kheo, đấu vật, cờ người hấp dẫn thu hút không chỉ nhân dân địa phương và ở khu vực lân cận mà cả người xa quê từ khắp mọi miền đất nước và khách thập phương cùng tụ hội, thành kính hướng về tổ tiên, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá cội nguồn. Cùng với đạo Phật, đạo Công giáo ở vùng đất này cũng phát triển khá mạnh ngay từ khi các giáo sĩ phương Tây truyền đạo vào Xuân Trường giữa thế kỷ XVI. Nhà thờ xứ Kiên Lao lúc đầu xây dựng ở phía tây bắc làng, sau ngôi chùa và gần chợ Lau Sáng. Năm 1952, nhà thờ xứ Kiên Lao bị giặc Pháp nã đại bác làm hư hỏng nặng. Sau hoà bình lập lại ở Đông Dương năm 1954, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giáo dân đã đóng góp tu bổ. Đến năm 1994, do dân số phát triển, nhà thờ Kiên Lao tiếp tục được xây dựng mới to đẹp, bề thế hơn đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Hiện tại, xã Xuân Kiên có gần 10% dân số theo đạo Công giáo, tỷ lệ này ở xã Xuân Tiến là hơn 80%.
 
Kiên Lao là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống hiếu học lâu đời. Sau quá trình khai hoang mở đất, làng xóm dần đi vào ổn định, ông cha đã nghĩ ngay đến việc tìm thầy dựng lớp để lo việc học hành cho con cháu. Xuất phát từ nhận thức ấy mà trước đây ở làng đã có các lớp học chữ Hán do các ông đồ mở. Mặc dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng với tinh thần hiếu học, tôn vinh các bậc danh nho, làng đã xây Văn Chỉ để ghi danh những người đỗ đạt. Làng còn xây miếu Tiên Hiền để thờ ông Ngô Duy Đẩu và hai anh em ông Ngô Tấn Cung, Ngô Tấn Ry cùng đỗ tiến sĩ vào cuối đời Hậu Lê. Khi giặc Pháp đô hộ thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị nên các lớp học chữ ở làng dần bị xoá bỏ. Tuy nhiên với truyền thống hiếu học, nhiều gia đình vẫn lén lút cho con theo thầy học chữ, học đạo với mong muốn làm người tốt để giúp làng, giúp nước. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, nhiều người bằng tài năng và nỗ lực học tập, không ngừng phấn đấu đã trở thành những cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước như các đồng chí: Đinh Khắc Anh, đại biểu Quốc hội khoá 1 (1946); đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Ngô Bá Cao, Bí thư Tỉnh uỷ Biên Hoà cũ, nay là tỉnh Đồng Nai; Giáo sư, tiến sĩ Lương Xuân Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. 
 
Trải qua hơn 600 năm mở đất, dựng làng, đất và người Kiên Lao đã gắn kết nhuần nhuyễn tạo nên truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái, yêu nước, tinh thần hiếu học, đồng thời biết gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hoá đặc trưng của làng quê Việt Nam. 
 

 

 
Một góc làng quê Kiên Lao.

 II. Đất đa nghề hôm nay


 
Rảo bước trên con đường nhựa láng bóng, rộng rãi dẫn ra cụm công nghiệp có diện tích hơn 10ha đã lấp đầy, đồng chí Bùi Ngọc Anh, Bí thư Đảng uỷ xã Xuân Kiên nói đầy tự hào: Kiên Lao xưa là “đất lành chim đậu”, nơi hội tụ cư dân từ các huyện Xuân Trường, Vụ Bản, Ý Yên và cả tỉnh ngoài gồm: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá đến mở đất, làm ăn, sinh sống nên họ rất năng động, không quản ngại khó khăn, vất vả, lại mang theo những nghị lực và tinh hoa vốn có của đất nghề các nơi. Nhờ đó mà trên quê hương Kiên Lao phát triển rất nhiều nghề, nghề nào cũng tạo ra sản phẩm nức tiếng khắp nơi. Nghề nông nghiệp đã phát triển khá sớm từ thuở mở đất để lo cái ăn. Nhiều thế hệ đã tiếp nối quá trình đắp đê, khai sông, xây cống đưa nước ngọt về thau chua, rửa mặn, cải tạo ruộng đồng. Từ những loại lúa tép, lúa hin, hom râu dần được chọn lọc, thay thế bằng các giống lúa lai, đặc sản tám xoan, nếp hoa vàng thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Năng suất lúa hiện nay bình quân hằng năm tại đây luôn đạt xấp xỉ 130 tạ/ha, mang lại giá trị thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi ha canh tác. Thóc gạo gieo trồng ở đồng đất này kết hợp với bí quyết ủ men, nấu mọng truyền thống đã tạo nên sản phẩm rượu quê Kiên Lao mang hương vị riêng không lẫn với bất cứ loại rượu nào trên thị trường. Rượu Kiên Lao êm say, nếu có quá chén cũng không bị sốc, đau đầu bởi hàm lượng an-đê-hít đã được khử đạt mức trên dưới 6,8 mg/lít, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 50 mg/lít. Sản phẩm rượu Kiên Lao đã được Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng”. Rượu Kiên Lao là thứ quà quý trong mỗi dịp lễ, Tết.
 
Thế mạnh lớn nhất của làng cổ Kiên Lao từ nhiều đời nay vẫn là nghề cơ khí. Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều thành phần kinh tế, sức lao động, sáng tạo nơi người thợ được giải phóng mạnh mẽ. Từ sản xuất nông cụ nhỏ lẻ phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, người làm nghề đã phát triển năng lực sản xuất chế tạo được các loại máy phục vụ nông nghiệp và các ngành xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản, đóng tàu thuyền với quy mô lớn. Hiện tại, cả hai xã Xuân Kiên và Xuân Tiến có tới 49 doanh nghiệp, gần 500 cơ sở sản xuất cơ khí. Giá trị thu nhập từ CN-TTCN và dịch vụ thường xuyên chiếm tỷ trọng 75% tổng giá trị thu nhập tại địa phương. Những năm gần đây, sản phẩm cơ khí của làng nghề bị cạnh tranh khốc liệt với hàng cùng loại nhập ngoại từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, người làm nghề ở Kiên Lao với truyền thống dựng nghiệp từ tay trắng nên không dễ đầu hàng khó khăn, họ nhanh chóng chuyển đổi công nghệ làm máy nông cụ, đồng thời nghiên cứu phát triển mặt hàng mới để duy trì sản xuất, tìm hướng đi thích hợp. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN và dịch vụ ở xã Xuân Tiến đạt 407 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này đối với xã Xuân Kiên là gần 200 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp lớn của làng nghề như các Cty TNHH: Năng Lượng, Cơ khí Đình Mộc, AXUZU (Xuân Kiên); Nhật Việt, Tân Việt, Thanh Giang, Thanh Bằng (Xuân Tiến) luôn là địa chỉ thu hút đông lao động, đóng góp quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương.
 
Cùng với cơ khí, nghề đúc chuông ở làng Kiên Lao được đánh giá là độc đáo nhất miền Bắc. Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, nghề đúc chuông tại Kiên Lao đã có tiếng từ hơn 200 năm nay. Tổ nghề là cụ Lê Văn Nghiễm, gốc gác thôn Trà Đông, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Cuộc đời phiêu bạt của cụ Nghiễm thời thanh niên đến đất này và mối tình với cô gái con quan tỉnh Thái Bình đượm màu lãng mạn của một cặp trai tài, gái sắc. Thoạt đầu cụ Nghiễm có ý định lập nghiệp tại Thái Bình. Duyên trời run rủi, một lần lên đò qua sông, đò đông, sóng cả, mọi người nhốn nháo làm thuyền chòng chành. Vốn có giọng hát hay, cụ liền ca lên để thu hút mọi người lắng nghe mà quên sợ, nhờ đó chuyến đò sang sông an toàn. Không ngờ trên đò có cô gái con quan cảm phục tìm cách bắt chuyện, rồi họ “phải lòng” nhau. Do không “môn đăng hậu đối”, gia đình cô gái nhất quyết không chịu gả con gái cho chàng trai xứ Thanh. Quyết bảo vệ tình yêu, họ đã cùng nhau bỏ trốn sang đất huyện Xuân Trường rồi trụ lại ở Kiên Lao làm ăn, sinh sống. Từ đó cụ Nghiễm đem nghề đúc đồng truyền cho dân làng để tri ân những người đã cưu mang, che chở cho họ. Nghề đúc chuông ở Kiên Lao ra đời như vậy.
 
Chuông đúc ở Kiên Lao có hai loại, chuông Tây và chuông Nam. Chuông Tây kéo dây của các nhà thờ, còn chuông Nam đánh bằng vồ treo ở chùa. Đúc chuông ngoài yêu cầu kỹ, mỹ thuật để tạo hình dáng, hoạ tiết, hoa văn gọi là “sắc” còn đòi hỏi nghiêm ngặt riêng về tạo tiếng gọi là “thanh”. Dù chuông Tây hay chuông Nam khi thỉnh lên tiếng phải trong, ngân nga, âm vang trong thinh không tưởng chừng không bao giờ dứt. Các loại sản phẩm đúc khác nếu bị khuyết điểm chỗ kín có thể bỏ qua, hoặc sửa chữa được. Còn quả chuông, đúc xong đòi hỏi phải hoàn hảo cả “thanh và sắc”. Chỉ một sơ suất kỹ thuật làm chuông đúc ra không trong tiếng chưa nói đến rè, là phải bỏ đi đúc lại. Chính vì vậy, sản phẩm chuông đúc ở làng Kiên Lao đã có mặt ở nhiều nơi như: Chùa Thăng Phúc (Hải Phòng); Chùa Núi Một (Côn Đảo), Đền thờ tại Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quả chuông mang tên “Đại hồng chung Thăng Long linh tụ” do cơ sở Mai Văn Hậu ở làng Kiên Lao đúc được treo trang trọng tại điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long.
 
Phát triển gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá của làng nghề truyền thống ngoài các nghề kể trên, tại vùng đất Kiên Lao hôm nay người dân vẫn giữ được các nghề sản xuất bánh đa nem, miến dong, làm quạt giấy, đúc tượng Thánh, đúc kèn đồng phục vụ các nhà thờ đạo. Năm 2006, chiếc kèn đồng dài 5,5m do những người thợ làng Kiên Lao thực hiện trưng bày tại khuôn viên giáo phận Bùi Chu được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam.
 
Một điều quan trọng đáng quý ở Kiên Lao là dù kinh tế rất phát triển nhưng địa phương, mỗi gia đình, thôn, xóm đều luôn chú trọng giáo dục, truyền thụ bề dày truyền thống dựng làng và giữ làng cho thế hệ sau. Tầm suy nghĩ của người dân Kiên Lao hôm nay đã cao, rộng hơn. Không ai thoả mãn với những gì đạt được cho dù thành quả là rất đáng tự hào, làm nên diện mạo mới của một vùng quê anh hùng, cách mạng. Những trăn trở suy tư hôm nay là để dựng xây, tôn tạo nên gương mặt mới của làng cổ Kiên Lao trong tương lai./.

Tác giả bài viết: Xuân Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lời Ngỏ

Kính thưa quý vị xa gần Ban điều hành trang xin có đôi lời bày tỏ để quý vị: KIENLAO.NET được lập vào năm 2010 với mục địch  giới thiệu hình ảnh Xứ Đạo Kiên Lao đến bạn bè bốn phương và mong muốn giúp những người con hiện đang xa quê và những người quan tâm được cập...

Videos

Thông kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay3,552
  • Tháng hiện tại33,281
  • Tổng lượt truy cập169,463,918


© Bản quyền thuộc về KIENLAO.NET

Phụ trách: Ban truyền thông xứ đạo

Địa chỉ: Xuân Tiến - Xuân Trường - Nam Định

Email: Kienlaonet@gmail.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây